Không gia đình – Hector Malot

Mình thường tìm cuốn Những người khốn khổ để đọc mà chưa có dịp, toàn nhìn thấy cuốn này mà chưa mua. May thay có người mua mà chưa kịp đọc, mình đành mượn về đọc. Đọc cuốn này mà cảm thấy buồn, ở đâu thì người nghèo thật là khổ.

Cuốn này của người Pháp, thế mới thấy dân Pháp cũng khổ. Đọc xong cuốn này mình cảm thấy yêu thương con mình nhiều hơn, thấy mình quan trọng nhiều hơn. Nếu mình có mệnh hệ nào, không kiếm được ra tiền thì con cái mình thật sẽ rất là khổ. Mình càng mong muốn kiếm được càng nhiều càng tốt vì nhỡ đâu có việc gì xảy ra thì còn có thể chống đỡ hoặc lo lắng cho con cái. Nhưng càng thế thì càng áp lực, cảm thấy mình bất tài không kiếm ra được nhiều tiền…

Năm mức ngu dốt

Bài báo Five levels of ignorance ở Communications of the ACM (số 10, năm 2000) của Phillip G. Armour nhìn quá trình phát triển phần mềm như việc nắm bắt tri thức và giảm sự ngu dốt. Lý luận của ông rằng phần mềm là phương tiện thứ năm chứa tri thức rất hay (bốn phương tiện kia là DNA, não, phần cứng các loại, và sách).

Ông chia sự ngu dốt (về vấn đề X nào đó) nói chung, và dốt trong phát triển phần mềm nói riêng ra là năm mức:

  • 0OI – không dốt: để đạt mức này ta phải biết X và chứng minh được rằng ta biết X. Ví dụ: tôi biết viết blog!
  • 1OI – thiếu kiến thức: để … đạt được mức dốt này thì ta phải biết là ta thiếu kiến thức về X. Ví dụ: tôi biết là tôi không biết gì về cơ học lượng tử. Đạt được mức dốt này cũng đã tốt, vì nếu có nhu cầu tôi có thể đi tìm sách vở tài liệu về cơ học lượng tử để học thêm.
  • 2OI – thiếu nhận thức: ở mức dốt này thì ta không biết là ta không biết gì về X. Hiển nhiên là ta không thể cho ví dụ về 2OI nào! Tuy nhiên, thỉnh thoảng đọc sách đọc báo,đọc blog KHMT (!), tôi có thể tìm ra được nhiều thứ chưa bao giờ biết là mình không biết, và như thế tôi chuyển các thứ đó lên 1OI. Dù rằng với cơ học lượng tử nói chung thì tôi ở mức 1OI, chắc chắn là có các đối tượng cụ thể nào đó trong cơ học lượng tử mà tôi ở mức 2OI.
  • 3OI – thiếu quá trình: ở mức dốt này thì ta thiếu một quá trình cụ thể để khám phá ra rằng mình đang không biết rằng mình đang không biết về X. Nói cách khác, ở mức dốt này thì ta không biết cách nào để tìm ra các thứ mà ta không biết rằng ta không biết :-).
  • 4OI – siêu dốt: chữ này tôi dịch bừa từ chữ meta-ignorance, vì meta-physics người ta dịch là siêu hình (học). Ở mức dốt này thì ta không biết gì về năm mức ngu dốt.

Đến đây thì tôi không còn ở mức 4OI được nữa. (OI viết tắt của Order of Ignorance.)

Dân máy tính thường phải đọc/học rất nhiều để theo kịp sự phát triển với tốc độ ánh sáng của ngành mình. Trong quá trình này, với mỗi vấn đề X của ngành, ta sẽ chuyển dần dần từ 3OI xuống 1OI. Sau đó, nếu X là cái mà ta thật sự thích hoặc cần cho công việc thì sẽ chuyển nó lên 0OI.

Rất nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh KHMT ở mức 3OI khi mới bắt đầu đi học. Sau đó họ tìm hiểu về quá trình nghiên cứu, quá trình tìm các vấn đề và hướng nghiên cứu mới, quá trính cập nhật kiến thức về ngành của mình, và chuyển dần các thứ lên 2OI. Để có một quá trình hiệu quả từ 3OI lên 2OI không dễ chút nào. Ví dụ đơn giản: các journals, conference nào trong ngành mình là có giá trị, làm thế nào để tìm đọc các bài trong chúng, phương pháp lọc bài đọc thế nào, vân vân.

Sau khi học được quá trình này rồi, ta có phương tiện để chuyển dần các khối kiến thức khác nhau lên 1OI. Đến khi sắp ra trường, chuẩn bị làm luận án Ph.D về cái gì đó thì (hy vọng rằng) ta đã có vài thứ ở 0OI.

Kẻ trăn trở

Sau khi đọc cuốn Kẻ trăn trở của tác giả Lương Hoài Nam, tôi đã có quyết tâm hơn để chia sẻ ra những trăn trở của mình đối với cuộc sống. Không có bó buộc gì về nghề nghiệp, lĩnh vực hay tầng lớp nào, đủ thứ chuyện trên trời… Sau đây là lời tựa đầu của cuốn sách, cũng là những lời tôi muốn nói theo cả một chuyên mục này:

 

“Tôi tự nhận mình là kẻ trăn trở. Tôi có nghề để làm, không phải một nghề mà nhiều nghề. So với nhu cầu của mình, cuộc sống của tôi không có gì để phàn nàn.
Nhưng tôi chưa bao giờ giới hạn mình bởi nghề. Đúng hơn là tôi không thể giới hạn những điều quan tâm xung quanh những chuyện nghề. Ngược lại, nghề cho tôi điều kiện đi nhiều, thấy nhiều, cả trong và ngoài nước; càng đi nhiều, thấy nhiều, tôi càng trăn trở, về đủ thứ chuyện trên đời. Thêm vào đó, sự may mắn được sống trong thời đại internet đem đến cho tôi cơ man thông tin về những thứ mà tôi quan tâm. Tuy nhiên,internet cũng làm tôi trăn trở nhiều hơn về nhiều thứ hơn.
Mỗi khi trăn trở tôi thường viết báo. Có lúc tôi chỉ viết ra suy nghĩ, cảm xúc của tôi về một vấn đề. Cũng có lúc tôi đề xuất một số việc, giải pháp mà tôi nghĩ có thể làm, nên làm. Tôi cám ơn các tòa soạn báo đã ưu ái tạo điều kiện để tôi chia sẻ những trăn trở với cộng đồng. Chúng ta sống trong một thế giới chia sẻ, từ kinh tế, thông tin cho đến các giá trị khác. Chúng ta không nhất thiết phải đồng thuận về mọi thứ, nhưng sự cởi mở, chia sẻ có thể giúp gợi mở cho mỗi người, cơ quan quản lý, doanh nghiệp những ý tưởng bổ ích, tiến bộ.
Tôi cám ơn vợ tôi, người thường làm bạn đọc đầu tiên và biên tập viên thứ nhất cho nhiều bài viết của tôi. Vợ tôi giúp tôi sửa các bài viết sao cho dễ đọc, dễ hiểu đối với bạn đọc, kể cả khi tôi viết về những vấn đề chuyên ngành phức tạp.
Cuốn sách này tập hợp những bài báo của tôi đã đăng trong gần 5 năm qua, là cách để tôi chia sẻ những trăn trở của mình với nhiều người hơn nữa.” – Tác giả: Lương Hoài Nam